Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Tục lệ cưới ở các nước


Mỗi quốc gia có một nền văn hóa và truyền thống khác nhau. Tục lệ cưới hỏi cũng là một phần quan trọng làm nên sự phong phú và khác biệt trong truyền thống văn hóa của các dân tộc ấy.
wedding planner
1. Các nước châu Phi 
Một nghi thức truyền thống trong đám cưới của người châu Phi là tục “nhảy chổi”. Tục lệ này xuất phát từ thời kỳ nô lệ, họ bị cấm không được kết hôn, hoặc nếu có thì mọi thứ cũng phải diễn ra trong sự âm thầm và lặng lẽ. 
Khi đó, những người nô lệ thật sự muốn cuộc đời của mình thoát khỏi đau khổ và sự chà đạp nên đã sáng tạo ra tục lệ cưới hỏi này. Cây chổi là vật dụng lao động gần gũi nhất với họ, việc bước qua nó cũng như bước qua những gì đen tối nhất. 
Ngày nay, trong các đám cưới hiện đại ở Châu Phi vẫn còn thấy tục lệ này, nhưng cây chổi đã được đính kết thêm những dải ruy-băng và hoa tươi với đủ màu sắc. Đám cưới long trọng và hài hước hơn. Tục “nhảy chổi” bây giờ được coi  như một phần trong cuộc vui của lễ cưới chứ không mang ý nghĩa nặng nề như nguồn gốc của nó nữa.

2. Dân tộc Ac-ma-ni 
Truyền thống tổ chức tiệc cưới chính vào đêm trước ngày diễn ra Lễ cưới tôn giáo là điểm khác biệt trong tục cưới hỏi của người dân Ac-ma-ni. 
Trong ngày này, đại gia đình chú rể đã tự tay gói những món quà xinh xắn để tặng cho đại gia đình của cô dâu. Những món quà đó có thể là: lúp, áo truyền thống, giày cho cô dâu, sô cô la, rượu vang, xì gà… 
Hành động này vừa thể hiện lòng biết ơn đối với gia đình đã sinh ra một người con gái tốt và xinh xắn, vừa mang ý nghĩa mừng hai gia đình sắp gắn kết với nhau trong một quan hệ mới.

3. Phong tục cưới của người Hoa 
Ngày tốt và giờ tốt bao giờ cũng là việc hệ trọng và tất yếu nhất trong lễ cưới của người Hoa. Điều đó được thể hiện bằng việc hai gia đình sẽ tự đi xem ngày sinh tháng đẻ và tướng số của con dâu và con rể của họ. 
Nếu hai bên xem thấy con cái hợp nhau, mọi chuyện sẽ diễn ra trong vui mừng và suôn se; còn nếu không hợp, điều đó sẽ trở thành tai họa hay rào cản lớn và đương nhiên đám cưới sẽ không được cha mẹ ưng thuận. 
Tục lệ xem bói tuổi tác trước lễ cưới của người Hoa có ảnh hưởng không nhỏ đến tục cưới hỏi của người Việt từ xưa đến nay, vì đất nước ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa Trung Hoa.  
Và trong đêm trước ngày cưới, cô dâu sẽ tắm trong một bồn tắm có chứa đầy hương cam, hoặc vỏ cam để xua đi ma quỷ bám víu trước khi về nhà chồng. 
Trong lễ cưới, cô dâu và chú rể sẽ mặc áo cưới màu đỏ, làm những thủ tục theo người chủ lễ. Khi động phòng hoa trúc, cô dâu vẫn còn phủ khăn đỏ trên mặt và chú rể sẽ dùng một cái que nhỏ, nhẹ nhàng vén tấm khăn lên để xem mặt cô dâu. 
Ngày nay, lễ cưới hiện đại vẫn không ít các cặp đôi chọn cho mình trang phục cưới truyền thống để chụp ảnh hoặc tổ chức lễ ra mắt thân gia.

4. Cộng hòa Sec 
Các cô dâu của đất nước này sẽ tự tay làm một vòng lá hương thảo cho mình và đeo vào ngày hôn lễ. Vòng lá hương thảo này tượng trưng cho lời chúc phúc, chúc cho cô dâu có đủ sự khôn ngoan và bản lĩnh để bắt đầu bước vào cuộc sống gia đình. 
Cô dâu, chú rể sẽ đeo trên người một thứ đồ cũ, một thứ đồ mượn và một thứ đồ màu xanh nước biển. Món đồ cũ ấy thường là di vật của gia tộc, món đồ mượn thường là từ một người bạn đã có gia đình và đang sống hạnh phúc yên ấm, thứ đồ màu xanh nước biển tượng trưng cho sự hòa hợp và chung thủy bên nhau suốt đời. Phong tục này đến nay vẫn còn được tuân thủ nghiêm ngặt.

5. Hà Lan 
Một đám cưới của người Hà Lan chỉ hoàn hảo khi nào có một “cây ước nguyện” trong ngày ấy. Cây ước nguyện thường khẳng khiu vì bị vặt hết lá, chỉ còn trơ lại cành, được đặt cạnh sân khấu của cô dâu chú rể, trên đó có treo hàng trăm những mảnh giấy ghi lời chúc của người thân, bạn bè dành cho họ. Kèm theo mỗi tờ giấy sẽ là một mảnh vài hoặc dây ruy-băng đỏ để treo lên cành cây. Cây ước nguyện tượng trưng cho những lời chúc tốt đẹp nhất của cuộc sống lứa đôi.

6. Đức 
Trong lễ cưới của các cô dâu, chú rể người Đức, các quan khách, bạn bè và người thân sẽ cùng nhau đập vỡ hàng loạt chén, đĩa, ly tách hay bất cứ thứ gì có thể đập vỡ tan thành từng mảnh khi nó đã được xếp lại gọn gàng ra khỏi bàn tiệc. 
Hành động này mang ý nghĩa mong muốn cô dâu, chú rể sẽ cùng thử thách một lần những khó khăn nghiệt ngã của cuộc sống sắp tới, những chuyện không vui và buồn chán phải được đập vỡ đi giống như đồng chén đĩa này.

7. Ấn Độ 
Đám cưới Ấn Độ thường kéo dài nhiều ngày với những lễ nghi phức tạp. Ví dụ: tay và chân của cô dâu được sơn phết trên đó và được gọi là dấu chỉ Mehndi, khách được trao cho vòng hoa thay vì một bông hoa cài áo, cánh hoa được rải rất nhiều và ngập tràn lối đi của cô dâu chú rể. 
Cô dâu chú rể nắm tay nhau đi quanh một đống lửa lớn, 3 vòng đi theo chiều kim đồng hồ và 3 vòng ngược chiều kim đồng hồ… Sau đó, họ lần lượt đi cảm ơn tất cả mọi người trong gia đình và họ hàng.

8. Ý 
Đàn ông Ý thường cầu hôn bằng một dạ khúc lãng mạn và một chiếc nhẫn kim cương trên tay. Họ xem trọng kim cương hơn bất cứ thứ trang sức nào, vì đối với họ kim cương tượng trưng cho bền vững, thủy chung, son sắc và ngọn lửa tình yêu không bao giờ tắt.

9. Nhật Bản 
Người Nhật có một tục lệ trong ngày cưới gọi là “san-san-kudo” nghĩa là uống 3 ngụm. San = 3, ba ngụm rượu đầu tiên thay mặt cho cô dâu chú rể và bố mẹ của hai bên. San = 3, ba ngụm rượu tiếp theo là tượng trưng cho uống cạn đi lòng căm thù, đam mê và dối trá. Ku = 9, là con số may mắn trong quan niệm của người Nhật. Do = kết thúc bằng sự hòa hợp của hai tâm hồn.
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét